Quan hệ ngôn ngữ Ngữ_hệ_H'Mông-Miền

Ngữ tộc H'Mông (Miêu) và ngữ tộc Miền (Dao) rõ ràng có quan hệ mật thiết, nhưng đồng thời cũng không bao hàm lẫn nhau. Điểm khác biệt chính giữa hai nhóm là sự phát triển âm vị học khác nhau. Nhóm H'Mông giữ lại phần lớn phụ âm đầu trong ngôn ngữ nguyên thủy, nhưng lại đơn giản hóa hầu hết vận mẫu (như loại bỏ âm lướt giữa âm tiết và phụ âm cuối). Nhóm Miền, ngược lại, lưu giữ đa số vận mẫu nhưng hợp nhất nhiều phụ âm đầu.

Một số phân loại thời trước xếp hệ H'Mông-Miền vào ngữ hệ Hán-Tạng. Dù tại Trung Quốc cách phân loại này vẫn thường thấy, song với cộng đồng ngôn ngữ học Tây phương, H'Mông-Miền là một ngữ hệ riêng biệt. Ngữ hệ này có lẽ bắt nguồn đâu đó tại miền Trung-Nam Trung Quốc. Sự đồng thuận hiện tại là ngữ hệ này phát nguyên từ một vùng nằm giữa Trường GiangMê Kông, nhưng có lẽ còn bắt nguồn từ nơi xa hơn nữa về phía bắc, rồi bị đẩy xuống phương nam do sự di cư của người Hán.[2] Thời điểm ngôn ngữ H'Mông-Miền hiện diện được ước tính là khoảng 500 TCN theo Sagart, Blench, và Sanchez-Mazas, và chừng 2243 TCN theo Automated Similarity Judgment Program (ASJP), một thuật toán thử nghiệm để xác định niên đại tự động.[3]

Paul K. Benedict, một học giả người Mỹ, mở rộng giả thuyết Austric để bao gồm cả ngữ hệ H'Mông-Miền. Tuy vậy, giả thuyết này chưa bao giờ nhận được nhiều sự ủng hộ.[4] Kosaka (2002) ủng hộ sự tồn tại của nhóm Miêu–Dai.[5]